Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chủ động phòng, tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
Mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính có khả năng cao gấp nhiều lần so với các mùa khác, nguyên nhân do thời tiết mùa hè nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, thức ăn dễ bị ôi thiu. Việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trở thành nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.
Mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính có khả năng cao gấp nhiều lần so với các mùa khác, nguyên nhân do thời tiết mùa hè nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, thức ăn dễ bị ôi thiu. Việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trở thành nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Lương Thị Hà cho biết: Thời tiết nóng ẩm trong mùa hè là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thức ăn (vi sinh vật, hóa chất, thực phẩm chứa chất độc tố tự nhiên). Vì vậy, trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc cao nhất từ thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: cá, hải sản, sữa... nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Thức ăn để trước 6 giờ có thể tạm coi là vô khuẩn nhưng sau 6 giờ, vi khuẩn đã có thể nhân lên gây ngộ độc.

5 tháng đầu năm 2021, Chi cục ATVSTP tiến hành thanh tra, kiểm tra 428 cơ sở thực phẩm, trong đó có 346 cơ sở đạt điều kiện ATVSTP, 82 cơ sở chưa đạt do khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh. Qua kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh, kiến thức của các nhóm sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm được nâng cao nhưng việc thực hành đúng về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế.

Các thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến… tại các đám cưới chế biến tại chỗ không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Thuấn, tổ 7, phường Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: Trong những ngày nắng nóng, tôi luôn chú ý đến chế độ ăn uống và chất lượng bữa ăn cho gia đình. Thực phẩm sau khi mua về còn tươi, tôi rửa kỹ bằng nước sạch hoặc nước muối loãng, chú ý khâu vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống trong quá trình chế biến thực phẩm. Thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình chú ý khi ăn các loại thức ăn đường phố, không ăn các loại rau sống hoặc đồ ăn chưa nấu chín như: tiết canh, gỏi cá, nem chua khi không biết rõ quy trình chế biến, nguồn gốc, xuất xứ.

Người dân cần lựa chọn thực phẩm tươi sống, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, người dân không nên sử dụng các loại nấm lạ, có màu sắc sặc sỡ; các nhóm gia đình tổ chức đi tham quan không nên chuẩn bị nhiều thức ăn nhanh, nếu để thực phẩm trong môi trường nắng nóng sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng. Đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại trường học, nhà máy, xí nghiệp, người chế biến thực phẩm nên rút ngắn thời gian chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, bảo quản thức ăn kỹ lưỡng, tránh sử dụng các loại thực phẩm lên men như: dưa chua, thực phẩm không tươi sống, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu.

Trong mùa hè, vấn đề ngộ độc thực phẩm có nguy cơ tăng mạnh, vì thế cần hết sức lưu ý khi sử dụng các loại thực phẩm; các cơ sở chế biến, kinh doanh đồ ăn uống cần thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm ATVSTP. Đối với người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm còn tươi mới, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng có uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng; hạn chế sử dụng các loại thực phẩm sơ chế, chế biến sẵn không rõ nguồn gốc, các loại thức ăn đường phố để đảm bảo sức khỏe cho gia đình.

Mọi người dân nên thực hiện 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn sau đây: Chọn thực phẩm an toàn; nấu chín kỹ thức ăn; ăn ngay sau khi nấu; bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín; nấu lại thức ăn thật kỹ; tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và chín; rửa sạch tay; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch.


Nguồn: Báo Cao Bằng

Tin tức
Đăng nhập
 
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang