An Định là bí danh hoạt động cách mạng, sau này là bút danh cho những tác phẩm thơ của tác giả Hoàng Đức Triều (1900 -1986). Ông tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội năm 1928, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1932. Đến năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La. Ra tù, ông trở về địa phương tiếp tục công tác trong hoàn cảnh bí mật của cách mạng và được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của địa phương sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công.
Nhắc đến thơ của cố nhà thơ An Định, người ta sẽ nhớ ngay đến bài thơ “Sam tả sí pù” và rất nhiều những bài thơ hay đã đi vào lòng của người dân Cao Bằng với những vần thơ diễn tả cảnh sắc quê hương đẹp như một bức tranh. Thơ của nhà thơ An Định được làm theo thể Đường, một thể thơ phổ biến trong văn học trước Cách mạng Tháng Tám, mỗi chữ của một câu đều có sự liên kết chặt chẽ về cả ngữ nghĩa lẫn niêm luật đối liên đó chính là bút pháp nghệ thuật khó nhất trong thơ Đường. Ấy vậy mà tập thơ Tam giang tứ trụ của nhà thơ An Định vẫn giữ được những nét giản dị tươi sáng bởi tác giả vận dụng tốt ngôn ngữ Tày và Việt.
Trên 100 bài thơ là 100 cảnh sắc thiên nhiên và con người Cao Bằng được tác giả miêu tả thông qua ngôn ngữ dân tộc hiện lên với vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống. Tập thơ cũng được xen là cuốn “biên niên sử thi” với những câu chuyện về cuộc sống lam lũ, vất vả của người dân Cao Bằng, mảnh đất phên dậu của Tổ quốc trong chiến tranh, vượt lên hoàn cảnh, hăng hái tham gia cách mạng, kháng chiến đấu tranh và sau này là tham gia xây dựng quê hương, đất nước.
Tập thơ “Sam tả sí pù” hay Tam giang tứ trụ của tác giả An Định (Hoàng Đức Triều).
Như đúng tựa đề tập thơ, bài thơ “Tam giang tứ trụ” hiện lên với vẻ đẹp núi non hùng vĩ, sông nước hài hoà cùng những chứng tích lịch sử, ý chí đấu tranh kiên cường, anh hùng của đất và người thị xã Cao Bằng (nay là Thành phố) nói riêng và người dân Cao Bằng nói chung.“Thênh thênh chín quận, hẹp nào, con?/Làm giậu phên cho góc nước non/Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/Bốn bề tứ trụ đứng chon von/Trừ tà muôn thuở gươm còn sắc/Bình chính nghìn xưa dạ chẳng mòn/Dải đất biên cương giàu đẹp lắm/Ven sông quặng sắt, núi đầy son!”.
Bài thơ họa theo bài “Lũng Cao Bằng” của quan bố chính Nguyễn Thuận (sáng tác năm 1886). Người đỗ tiến sĩ khoa Ất Hợi (năm 1875) được cử làm Bố chính Cao Bằng tỉnh. Năm 1888, khiếp nhược trước sức mạnh của kẻ thù xâm lược, Nguyễn Thuận đã sáng tác bài thơ “Lũng Cao Bằng” lộ rõ tinh thần bạc nhược, run sợ, hồn thơ u ám làm mất tinh thần tự tôn dân tộc. Cũng chính bởi lẽ đó, nhà thơ An Định đã sáng tác bài thơ “Tam giang tứ trụ” như một lời nói đanh thép, phản ứng gay gắt và lên án ý chí thấp hèn của quan bố chính Nguyễn Thuận.
Sau này, khi bước sang thời kỳ kháng chiến trường kỳ gian khổ, tưởng như không có thời gian rảnh để cho các thi sĩ ngẫm nghĩ ngâm thơ, trên đường đi công tác qua Hồ Thang Hen, nhà thơ An Định viết: “Kháng chiến gian lao gặp bạn hiền/Cùng nhau kinh lý tới Thang Hen/Cá rồng vực thẳm bơi vùng vẫy/Chim phượng rừng xanh hót tự nhiên/Đập nứa ngư ông đơm thạch lộ/Nhà gianh tiên tử cắm đào nguyên/Cảnh hay ai đã từng xây đắp/Gấm vóc non sông phải giữ bền”. Bút pháp hài hòa cùng lối tả cảnh chân thực đã tạo nên nét cuốn hút trong thơ của nhà thơ An Định, dường như mỗi câu thơ tác giả đều gợi lên một góc nhìn khác nhau, một lối miêu tả đơn giản nhưng lại gợi lên trong tâm trí người đọc tầng lớp cảm xúc với muôn vẻ thiên nhiên Cao Bằng.
Cũng bởi tình yêu quê hương, đất nước luôn sục sôi trong suy nghĩ của nhà thơ, thế hệ những người thanh niên đã không tiếc máu xương của mình giữ yên bờ cõi, chống giặc ngoại xâm, khinh thường chế độ của thực dân và quyết tâm đấu tranh để bảo vệ tự do, bảo vệ Tổ quốc. Nhà thơ An Định đã viết bài “Trí thanh niên”: “Chí diệt thù chung đã bấy nay/Phen này kháng chiến thẳng ra tay/Gặp cơn lửa đạn dường xông xáo/Phá trận mưa bom há chậm chầy/Đuổi hết thực dân lòng dứt khoát/Giữ bền Tổ quốc máu hăng say/Làu làu quét sạch quân tàn bạo/Xứng đáng thanh niên cột trụ này”. Bài thơ ngay sau đó đã tác động không nhỏ tới một bộ phận thanh niên Cao Bằng và làm dậy lên tinh thần đấu tranh quật cường, kháng chiến chống thực dân, yêu nước và quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tập thơ còn có nhiều bài thơ miêu tả cảnh sắc quê hương Cao Bằng rất đỗi bình dị, thân quen như: “Tiếng thơm đồn đại khắp miền quê/Ruộng đất Cao Bằng tốt chẳng chê/Ngô rẫy Lũng Gà như bắp chuối/Gié chiêm Bản Vạn tựa bông kê/Phủ Trùng gặt mẫu mì dăm vụ/Ngàm Quét thu khoai pung chục xe/Tấc đất tấc vàng ta cố giữ/Cha con ông cháu tiếp vai kề”. Với một tư tưởng tiến bộ cùng một tình yêu quê hương, am hiểu từng mảnh đất, con người Cao Bằng, nhà thơ An Định thổi hồn mình vào những câu thơ, yêu say đắm những gam màu sắc quê hương, trân quý cuộc sống thường nhật, cảnh sắc thiên nhiên cùng tình người Cao Bằng.
Đọng lại trong thơ của tác giả An Định luôn là những gì đẹp nhất của quê hương Cao Bằng. Tình yêu quê hương, yêu mảnh đất mình đang sống luôn thường trực hết sức bình dị, chân thật và đầy chất thơ. Đến với tập thơ “Tam giang tứ trụ”, bạn đọc sẽ được đắm chìm trong những vần thơ oai hùng mà đẹp đẽ và càng thêm thấu hiểu những giá trị hoà bình mà cha ông ta đã kiên quyết đấu tranh gìn giữ. Tập thơ là những tình cảm bình dị của con người với quê hương, đất nước những nơi mình từng gắn bó và trên cả là tinh thần lạc quan để vượt qua gian khó hướng đến một cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp.
Hải Đăng
Nguồn báo Cao Bằng