Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bài thơ “Tam giang, tứ trụ” của Hoàng Đức Triều đã đi vào lịch sử dân tộc và sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc.
https://baocaobang.vn/

Bài thơ “Tam giang, tứ trụ” của Hoàng Đức Triều đã đi vào lịch sử dân tộc và sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc.

anh tin bai

Một góc thành phố Cao Bằng

Năm 1886, Thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng, Nguyễn Thuận - người đỗ tiến sĩ khoa Ất Hợi (1875) được cử làm Bố chính Cao Bằng tỉnh. Năm 1888, khiếp nhược trước sức mạnh của kẻ thù xâm lược, Nguyễn Thuận đã sáng tác bài thơ “Vịnh Cao Bằng” lộ rõ tinh thần bạc nhược, run sợ, hồn thơ u ám làm mất tinh thần tự tôn dân tộc:

“Cao Bằng một lũng cỏn còn con/Bốn mặt bao la những núi non/Trại lính đồn Tây nay chất ngất/Ruộng đồng quê núi vần vàng son/Mảnh mai dây thép giăng trăm ngả/Ngạo mạn ngoại bang chật lối mòn/Khai hoá nay nhờ ơn bảo hộ/Trung thành xin giữ một lòng son”.

 

Trước tình hình thế cuộc xoay vần, nước mất, nhà tan nội dung tư tưởng của bài thơ cũng chính là tư tưởng của Nguyễn Thuận đại diện cho một số quan lại thuộc chính quyền của thực dân Pháp. Biểu hiện sự bạc nhược, sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân hẹp hòi, ích kỷ, Nguyễn Thuận đã không ngần ngại tung hô công khai sự trung thành mù quáng vào cái gọi là “Mẫu quốc”: “Khai hoá nay nhờ ơn bảo hộ/ Trung thành xin giữ một lòng son”. Sau đó bài thơ được chính quyền của thực dân Pháp cho vào dạy ở các trường học nhằm chống lại những bài thơ yêu nước của phong trào Đông kinh nghĩa thục lúc bấy giờ.

Trước cảnh nước nhà bị thực dân cai trị, trước những xu hướng thơ mang nội dung bán nước cầu vinh, cũng bắt đầu xuất hiện những bài thơ mang tính bút chiến thể hiện sâu sắc lòng yêu nước, tự tôn dân tộc. Trong đó có bài “Tam giang, tứ trụ” của tác giả Hoàng Đức Triều, sáng tác năm 1925 họa lại bài “Vịnh Cao Bằng” của Nguyễn Thuận. Bài thơ thể hiện niềm tự hào về dân tộc, về quê hương xứ sở, về những chiến công của ông cha nghìn năm dựng nước và giữ nước.

“Thênh thênh chín quận, hẹp nào, con?/Làm giậu phên cho góc nước non/Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/Bốn bề tứ trụ đứng chon von/Trừ tà muôn thuở gươm còn sắc/Bình chính nghìn xưa dạ chẳng mòn/Dải đất biên cương giàu đẹp lắm/Ven sông quặng sắt, núi đầy son!”. Hoàng Đức Triều sáng tác theo thể Thất ngôn bát cú, hoạ lại chan chát bài của Nguyễn Thuận cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật.

Mặc dù sáng tác cách nhau 37 năm, nhưng người đọc cứ tưởng hai tác giả đang “đối ẩm” để “đánh nhau” bằng thơ. Hoàng Đức Triều tuyên chiến đanh thép và chỉ thẳng vào mặt quan Bố chính Nguyễn Thuận: “Thênh thênh chín quận, hẹp nào, con?”, bởi Nguyễn Thuận đã hồ đồ đánh giá: “Cao Bằng một lũng cỏn còn con”. Hoàng Đức Triều sử dụng rất tài tình ngôn từ bằng cách ngắt câu rồi hỏi chấm như vừa hỏi vừa khẳng định. Chữ "con" ở cuối câu được tác giả sử dụng rất tài tình, giống như một cái tát giáng thẳng vào mặt những ai luôn mồm ngợi ca “Mẫu quốc” đã đến khai hoá cho mảnh đất An Nam như họ lầm tưởng.

Tác giả đóng vai trò của bề trên (bậc cha) chỉ cho người con đã lầm tưởng vào sự bảo hộ của Pháp quốc rõ về niềm tự hào của dân tộc, của mảnh đất Cao Bằng: “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/Bốn bề tứ trụ đứng chon von”. Hơn thế nữa, ông còn chỉ rõ vùng đất Cao Bằng nghìn đời hiển hách chiến công trong từ tà, giữ nước:.. “Trừ tà muôn thuở gươm còn đó/Bình chính nghìn xưa dạ chẳng mòn”. Và khẳng định: “Dải đất biên cương giàu đẹp lắm/Ven sông quặng sắt, núi đầy son”.

Bài thơ “Tam giang, tứ trụ” của Hoàng Đức Triều đã đi vào lịch sử dân tộc và sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc bởi mang tính chiến đấu cao, thể hiện rõ nét lòng tự tôn dân tộc, khẳng định vị trí quan trọng của Non nước Cao Bằng trong thế chiến lược ngàn đời để gìn giữ đất Việt.

Mông Văn Bốn

Nguồn báo Cao Bằng

Tin tức
Đăng nhập
 
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang