Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chống rác thải nhựa - nâng cao chất lượng cuộc sống
Phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được phát động mạnh mẽ tại tỉnh ta nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được phát động mạnh mẽ tại tỉnh ta nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

    THỰC TRẠNG SỬ DỤNG TÚI NILON, ĐỒ NHỰA
    Hiện nay, không thể phủ nhận sự tiện dụng của túi nilon, cốc nhựa dùng một lần vì ưu điểm chi phí rẻ, dễ sử dụng, thuận tiện cho lưu trữ, đóng gói, mang, xách..., sau khi sử dụng có thể đựng rác thải rồi vứt đi. Tại chợ Xanh (Thành phố), các sản phẩm túi nilon, đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với nhiều mẫu mã khác nhau.
Theo ước tính, tại Cao Bằng, hằng năm có khoảng 60 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, trong đó một nửa là rác thải nhựa sinh hoạt như túi nilon, cốc nhựa dùng một lần… Trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày, mỗi năm có hàng tỷ túi nilon bị thải ra, nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng.

    Thời gian để rác thải nhựa có thể phân hủy không diễn ra trong một vài ngày hay một vài tháng, mà mất tới hàng trăm năm. Chất thải nhựa trong quá trình phân hủy sẽ tạo ra những hợp chất hóa học làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thức ăn, nước uống của con người. Những chất hóa học này tích lũy dần trong cơ thể, về lâu dài sẽ gây bệnh cho con người.
    Thực tế hiện nay tại nhiều cửa hàng, quán ăn, chợ tạm cho đến siêu thị đều sử dụng túi nilon, cốc, hộp nhựa dùng một lần để bao gói, phục vụ khách hàng. Bà Hà Thị Vân, phường Sông Bằng (Thành phố) cho biết: Khi đi chợ, các sản phẩm từ giấy hoặc chất liệu thân thiện với môi trường chưa tạo được độ tin cậy với tôi, vì khó đựng vật dụng lỏng, lại phải tốn tiền mua. Trong khi đó, túi nilon được người bán hàng cung cấp miễn phí khi mua hàng. Đồ tươi sống được gói cẩn thận bằng 2 - 3 lớp túi nilon, vừa chắc chắn, vừa tiện lợi. Dù biết rằng, những loại vật dụng này không có lợi cho môi trường.  
    GÓP PHẦN CHO CUỘC SỐNG XANH HƠN
    Để có thể thay thế, tạo cho người dân dần có thói quen không dùng túi nilon, Ngày 14/11/2018, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Hoạt động nhằm tiếp nối những kết quả thiết thực đã đạt được từ các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”; hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động.
Phong trào được thực hiện thông qua 5 nội dung: Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần và tích cực tìm kiếm giải pháp thay thế những sản phẩm này trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại và tái chế sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì túi nilon.

    Tuyên truyền sâu rộng phong trào cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh; vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa, nilon. Từ đó thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
    Hưởng ứng kế hoạch của UBND tỉnh, nhiều sở, ngành, đoàn thể đã phát động phong trào trong đơn vị trực thuộc. Tiến tới việc bố trí thùng chứa rác thải nhựa riêng với các loại rác thải khác trong đơn vị một cách phù hợp, để góp phần tích cực cho việc thu gom. Từ năm 2018 đến nay, 13/13 huyện, Thành phố, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, treo trên 1.000 băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức tuyên truyền, vận động được trên 300 cuộc cho trên 24.000 người dân về tác hại của rác thải nhựa, thay thế bằng các vật dụng có chất liệu thân thiện với môi trường; tổ chức 157 đợt thu gom rác thải với trên 18.000 người tham gia, thu gom được trên 100 m3 rác thải nhựa…
    Ông Đoàn Ngọc Báu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về “Chống rác thải nhựa”, Chi cục phối hợp tuyên truyền đến các cơ quan, đoàn thể và các huyện, Thành phố, kết quả bước đầu đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa. Nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động thu gom, phân loại rác thải nhựa và xử lý những loại nhựa có thể tái chế.
    Để phong trào “Chống rác thải nhựa” đi vào thực chất, ngày càng được hưởng ứng, điều quan trọng là cần duy trì và thúc đẩy phong trào trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thu gom, phân loại các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và cho vận chuyển đến nơi xử lý, tái chế theo quy định; thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi nilon để thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; xây dựng nếp tư duy mới, nhận thức mới trong sinh hoạt, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế và tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

    Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần. Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho bảo vệ môi trường, tham gia các dịch vụ bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt. Khuyến khích các chủ cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa, túi nilon; tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng.       

(nguồn: Báo Cao Bằng)
Tin tức
Đăng nhập
 
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang